lựa chọn bàn thờ lựa chọn bàn thờ lựa chọn bàn thờ lựa chọn bàn thờ lựa chọn bàn thờ
PHONG THUỶ CHO BAN THỜ GIA TIÊN
CÁCH XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ, HƯỚNG, CHIỀU CAO, KÍCH THƯỚC, CHẤT LIỆU...PHONG THUỶ CHO BAN THỜ
Trong mỗi gia đình, bàn thờ là nơi linh thiêng nhất thể hiện lòng thành kính cả con cháu đối với tổ tiên. Chính vì thế, bàn thờ luôn được coi là một không gian quan trọng có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tâm linh của mỗi gia đình.
Bàn thờ dù được thiết kế như thế nào thì nhất thiết phải luôn đặt nó ở vị trí trang trọng, có độ cao phù hợp trong lúc cúng bái. Nhà ở nông thôn có kiến trúc ít biến đổi, nên vị trí bàn thờ vẫn có những đặc trưng theo kiểu truyền thống, giữ đúng phong thủy trong ngôi nhà. Nhưng với kiến trúc nhà hiện đại ở thành phố thì cách bố trí và các đồ thờ cũng có nhiều biến đổi để phù hợp với cấu trúc ngôi nhà nhưng vẫn giữ được tính tôn nghiêm nơi thờ cúng.
Bàn thờ phải luôn vệ sinh sạch sẽ và thường xuyên thắp nhang. Điều này đặc biệt quan trọng, nhất là đặt bàn thờ hướng trực tiếp ra cửa chính. Tượng thần thánh hoặc linh vật thiêng phải đặt trên bàn kệ cao. Đèn trên bàn thờ luôn sáng để thu hút năng lượng dương.
1. Vị trí và hướng đặt ban thờ phải "toạ cát hướng cát"
- Bàn thờ cũng tuân theo nguyên tắc phong thủy nhất định giống như các không gian quan trọng khác trong nhà là “nhất vị nhị hướng”
- Trong phong thủy, đặt vị trí bàn thờ cần phải “tọa cát hướng cát” tức là nằm ở vị trí và hướng đều tốt so với tuổi của gia chủ, các hướng cát là: Phúc đức, sinh khí, thiên y, diên niên. Tường phía sau bàn thờ cần phải vững chãi. Bàn thờ không được dựa vào tường kính hoặc cửa sổ… Nếu thỏa mãn về phương vị và hướng thì việc đặt bàn thờ đối diện cửa ra vào là một cách bố trí tốt về phong thủy.
- Đối với ngôi nhà truyền thống của người Việt thì gian giữa được coi là quan trọng nhất so với các gian còn lại. Đó được coi là trung tâm của ngôi nhà. Vì thế những việc quan trọng như: thờ phụng, tiếp khách, sinh hoạt… đều diễn ra ở gian giữa này. Gian giữa lại luôn đặt cửa lớn ra vào để khi mở cửa là nhìn thấy trời đất lưu thông, âm dương hòa đồng. Bàn thờ đặt chính giữa gian giữa ngôi nhà, để thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên. Bởi vậy trong phong thủy, gia chủ không được kê giường ngủ đối diện với bàn thờ.
- Đối với những căn nhà phố hiện nay, thường bố trí bàn thờ đặt trong một phòng riêng, tầng trên cùng của ngôi nhà. Vị trí này vừa mang đến sự trang nghiêm, kín đáo, tĩnh lặng… lại thuận tiện cho việc cúng ngoài trời, hóa vàng mã trên sân thượng.
- Do thành phố đông đúc, các nhà vây chặt lấy nhau, khi đó đặt bàn thờ dưới tầng trệt ngay trong phòng khách bước vào sẽ khó thông thoáng, thắp nhang nhiều sẽ làm xấu cả trần nhà. Bên cạnh đó không nên để trên đầu của bàn thờ là phòng vệ sinh, phòng trẻ em chơi đùa… như thế sẽ làm giảm tính tôn nghiêm của không gian trang trọng này. Ngoài ra cũng không nên để mọi người từ ngoài cửa nhìn thấy hết bàn thờ, bài vị, hình ảnh tổ tiên.
- Bản chất trường khí của bàn thờ thuộc tính âm nên hướng nội, không ưa sự phô trương. Cả khi trong ngày giỗ hay tết thì thờ cúng cũng là việc riêng của gia đình, người ngoài muốn thắp nén nhang phải xin phép gia chủ. Về ngũ hành thì bàn thờ thuộc hành Mộc và Hỏa, là hai hành hướng lên cao và cần được chăm sóc mỗi ngày. Trừ bàn thờ ông địa thần tài là tín ngưỡng dân gian, mọi nhà đều đặt gần cửa giống nhau để nghênh tiếp tài lộc, còn lại bàn thờ tổ tiên và tôn giáo (thờ phật, thờ chúa) riêng của mỗi gia đình nên mang tính hướng nội, không cần phải đặt ngay trong phòng khách. Như vậy theo phong thủy thì tốt nhất là đặt phòng thờ ở tầng áp mái.
- Để phù hợp với phong thủy, bàn thờ nên đặt theo hướng tượng trưng cho trời. Đó là hướng Tây Bắc của ngôi nhà hoặc của văn phòng.
* Cách đặt ban thờ:
Khi bạn đã tìm được hướng cát quẻ mệnh của bạn, bạn kê bàn thờ vào sát tường, chỉnh ngang dọc cho cân đôí sau đó dịch bàn thờ lên cách tường từ 1 đến 3 cm (tâm lý thích tiến) rồi bạn dùng la bàn để lên cạnh mặt bàn thờ kiểm tra lại hướng cát mà bạn đã chọn.
* Một số điểm phải tránh khi đặt ban thờ:
+ Bàn thờ không được đặt dưới các xà ngang, dọc của ngôi nhà, cũng không được kê (tọa) cạnh tường phòng vệ sinh, hoặc hướng nhìn thẳng vào phòng ngủ, phòng tắm, dưới gầm cầu thang... Bàn thờ không được đặt dưới gầm bếp, phòng tắm, vệ sinh của tầng trên.
+ Không được treo gương soi trong phòng thờ vì có thể làm lệch hướng bàn thờ, nếu là có " linh " thì linh rất sợ phản quang, linh sẽ không tọa.
+ Không được để bể cá hoặc các linh vật phong thủy dưới bàn thờ gia tiên.
2. Chiều cao đặt ban thờ
- Trước hết, ban thờ nên có độ cao tỷ lệ với người trong gia đình, tránh làm quá cao (phải leo trèo thiếu an toàn) hoặc quá thấp (dễ bị va chạm và thiếu tôn nghiêm). Trường hợp có nhiều tầng thờ thì xếp đặt theo thứ tự từ cao xuống thấp theo ngôi thứ.
- Dù là nhà ở hiện đại hay truyền thống, vị trí bàn thờ phải luôn đảm bảo được đặt tại nơi cao, phía trên bàn thờ chỉ được là nóc nhà và bầu trời, không được để các không gian sinh hoạt khác đè lên… Như vậy khi cúng bái, con cháu trong nhà tỏ được sự ngưỡng vọng thành kính của mình với ông bà tổ tiên.
- Các chiều cao lý tưởng để đặt ban thờ tính từ cao độ mặt sàn người thắp hương đứng (dựa theo kích thước Lỗ Ban): 1,27m, 1,53m, 1,76m, 1,97m...
3. Kích thướng ban thờ
- Về kích thước, bàn thờ phải phù hợp với diện tích và thiết kế kiến trúc của ngôi nhà nhưng phải chuẩn theo kích thước đẹp trên thước Lỗ Ban (cả phần kích thước Âm trạch và Dương trạch). Chẳng hạn như những ngôi nhà lớn to như biệt thự khi thiết kế bàn thờ quá bé thì không tương xứng, không tốt về phong thủy. Còn căn hộ nhỏ thì không nên dùng bàn thờ quá lớn, đôi khi có thể dùng giá treo cũng được.
- Các kích thước ban thờ được dùng rộng rãi:
+ Dài: 1,27m, 1,53 m, 1,67m, 1,76m, 1.97m, 2.15m
+ Rộng: 0,61m, 0,67m, 0,81m, 0,87m, 1,07m, 1,27m
4. Chất liệu và mầu sắc ban thờ
- Các bạn hãy dùng bàn thờ đóng bằng gỗ hương gụ, dổi, hơn cả vẫn là gỗ mít lõi, vì gỗ mít thơm tho, bền mà lại thanh tịnh (bền từ 100 năm đến 500 năm). Bàn thờ thường được đánh màu gụ, nho chín, mận chín, vàng mít... Để chắc chắn bạn cũng có thể xây ban thờ hoặt đổ bê tông tấm đan làm bệ thờ sau đó ốp lát hoặc sơn theo mầu sơn phù hợp.
- Bàn thờ không nên làm bằng kim loại hay bằng nhôm kính bởi vì toàn kim nên dễ bị kim sát hay bị phản quang
- Tránh làm bằng các loại gỗ tạp, gỗ nhiều mắt, rác... vì theo quan niệm làm ban thờ như vậy gia chủ sẽ gặp những điều không may đến.
- Tránh làm bàn thờ theo lối trang trí loè loẹt. Về màu sắc, không gian thờ cúng phải thể hiện được sự tôn nghiêm với những màu thâm trầm làm chủ đạo như nâu, vàng kem, màu gỗ và màu của những bức sơn mài, hoành phi câu đối, sơn son thiếp vàng…
5. Cách bày biện ban thờ
- Các bát hương phải đặt ở vị trí cao thấp khác nhau theo thứ tự: Thần, gia tiên, bà cô tổ, ông mãnh, bà cô, bản mệnh.
- Hiện nay đa số các nhà đưa bát hương ông công vào cùng bàn thờ gia tiên nhưng phải để ở vị trí cao nhất. Các bạn có thể mua những ngũ cấp, tam cấp, nhị cấp bằng gỗ để có những độ cao khác nhau.
- Trên mặt bàn thờ phải đủ ngũ hành:
+ Thổ: Cát, tro theo bát hương
+ Hỏa: Thắp nến, thắp hương
+ Mộc: Bàn thờ thường bằng gỗ
+ Thủy: Bình, lọ nước, cốc nước thắp hương
+ Kim (kim lộ): Cây nến đồng hoặc nến đèn điện có đế bằng đồng
- Tủ thờ thường có phần dưới và bên hông là tủ chứa đồ (gia phả, lịch giỗ kỵ, vàng mã hương đèn…). Nếu bệ thờ làm theo kiểu tấm đan bê tông thì cũng nên kê một tủ nhỏ hay bàn vào khoảng trống bên dưới để thuận tiện sắp xếp vật dụng vào dịp có giỗ tết.
- Bài trí bàn thờ phải nghiêm trang nhưng không u tịch, bởi vì nhà ở gia đình (tính chất Dương) không bao giờ là một ngôi chùa hay đền – miếu – phủ – am (thiên về tính Âm, là “vãng sinh đường” cho khách thập phương).